Khắc phục khó khăn
Năm 2010, rời bỏ phố thị trở về quê hương sống với mẹ già sau khi người cha mất, với quyết tâm lập nghiệp trên mảnh đất quê hương, anh Võ Văn Đông bắt đầu nghiên cứu về những điều kiện cần thiết để có thể canh tác hiệu quả 01 ha đất trồng hoa màu của gia đình. Nhận thấy địa thế ở đây chỉ có thể canh tác được một vụ Đông – Xuân còn vụ Hè – Thu thì đất đều bỏ hoang vì không có nước tưới. Trong khi đó, mực nước ở con suối nhỏ chảy men theo sườn dốc bao bọc quanh khu đất của mình và nhiều hộ gia đình khác đang ngày dần cạn kiệt do biến đổi khí hậu, người dân không thể dùng máy bơm để đưa nước vào đồng.
Anh Võ Văn Đông bên con đập tích nước do chính tay mình xây dựng năm 2010 - Ảnh: THÁI CƯỜNG
Để có thể đưa nước vào diện tích của mình, anh Đông nghĩ đến việc đắp đập ngăn con suối, để tạo thành hồ chứa nước. Nghĩ là làm, anh đã tự tay bỏ ra 80 triệu đồng, là số tiền dành dụm sau khoảng thời gian đi làm ăn xa để thuê nhân công xây một đập bê tông ngăn dòng nước chảy tự nhiên, giúp cho gia đình và các hộ chủ động được nguồn nước tưới tiêu cho hoa màu. Anh Đông chia sẻ: “Vì muốn tự quản lý con đập và không phụ thuộc vào các hộ gia đình khác trong việc bảo quản con đập, tôi mạnh dạn làm con đập để không để đất chết.”
Với chiều dài thành đập là 12m và cao từ 2,5-3m, con đập của anh Đông đã tạo ra hồ nước có sức chứa gần 500m
3 nước. Khi đến mùa canh tác, anh Đông chủ động đóng các cổng xả nước để các hộ dân trong thôn cùng lấy được nước để canh tác. Ông Nguyễn Văn Thân, trưởng thôn 2, xã Tiên Lộc cho biết: Từ khi có con đập của anh Đông, hơn 20 hộ ở khu vực này đã có nước tưới tiêu phục vụ cho cả hai vụ mùa. Việc làm của anh Đông không chỉ mang hiệu quả cho gia đình mà còn cả các hộ sản xuất khác, mà sướng nhất là đất không bị bỏ hoang.
Đi đầu sản xuất
Là người trẻ ham học hỏi và có thời gian dài sinh sống ở miền Nam, anh Đông tìm hiểu về cách trồng trọt, sản xuất của người dân miền Nam để áp dụng vào việc sản xuất của địa phương. Năm 2013, anh phá bỏ 1/2ha diện tích cây keo lá tràm của gia đình để trồng thí điểm cây cam sành. Theo anh Đông, cam sành rất phù hợp với khí hậu tự nhiên của địa phương và có năng suất cao hơn loài cam truyền thống. Bắt đầu thu hoạch sau 3 năm trồng, trái cam sành mang lại thêm thu nhập cho gia đình anh 20 triệu đồng/năm.
Chiếc máy tút bắp anh Võ Văn Đông chế tạo có giá trị 01 triệu đồng nhưng công suất tương ứng với các loại máy hiện đại có giá trị 07 triệu ngoài thị trường - Ảnh: THÁI CƯỜNG
Nhận thấy việc đưa khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, anh Đông thường xuyên tìm hiểu về các loại máy cơ giới để mua về phục vụ sản xuất với quy mô lớn như máy cày, máy gặt đập liên hợp.... Cạnh đó, hiểu được thuộc tính canh tác của người dân địa phương, mỗi khi đến mùa thu hoạch bắp, người dân phải phơi khô rồi mới tách hạt, anh Đông đã tự tay thiết kế mô hình máy tút bắp. Bằng những vật liệu tự chế như mô tơ điện, trục xoắn, khung sườn kiên cố chiếc máy tút bắp của anh Đông có thể tách được cả hạt bắp khô và bắp tươi, nâng cao năng suất tách hạt lên gấp đôi, đạt 3 tạ/1 giờ. “Từ khi có máy, nhiều hộ trong xã và các xã lân cận đến mượn về sử dụng, nhiều người có ý muốn gửi tiền nhưng tôi đều không nhận, giúp được mọi người là tôi vui rồi”, anh Đông chia sẻ.
Anh Võ Văn Đông thường xuyên trồng thí điểm các loại cây ăn trái mới trên diện tích nhà để tìm hiểu thuộc tính của cây - Ảnh: THÁI CƯỜNG
Hiện nay, anh Đông đang mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình VACR. Tính trung bình, mỗi năm nhờ phát triển sản xuất theo hướng mới, gia đình anh thu nhập 120 triệu đồng/năm. “Anh Võ Văn Đông là thanh niên chịu khó tìm tòi những phương pháp sản xuất mới và có nhiều ý tưởng đi đầu trong sản xuất. Những mô hình của anh đã được nhiều thanh niên và bà con nhân dân trong vùng áp dụng và mang lại hiệu quả cao”, chị Vũ Thị Hoàng Ly, bí thư Đoàn xã Tiên Lộc cho hay./.
THÁI CƯỜNG