|
Anh Hồ Xuân Trạng hướng dẫn kỹ thuật theo dõi bệnh ở đàn gà. Ảnh: THÁI CƯỜNG |
Đầu tư nuôi gà
Năm 2014, sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng xây dựng, anh Hồ Xuân Trạng (thôn 4, xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước) tìm cho mình một công việc ổn định tại TP.Đà Nẵng. Thế nhưng khi có lệnh nhập ngũ, anh Trạng tạm gác công việc để thực hiện nghĩa vụ công dân với đất nước. Hai năm trong môi trường quân ngũ giúp anh rèn luyện bản thân; đồng thời được tham gia sản xuất kinh tế nên nảy ra ý tưởng sau này sẽ về quê lập nghiệp.
Xuất ngũ, năm 2017 anh bắt đầu nghiên cứu tìm cách tận dụng diện tích đất vườn để nuôi gà thả vườn. Với số tiền trợ cấp xuất ngũ, anh vay mượn thêm của bà con để đầu tư chuồng trại và mua 1.000 con gà giống Bình Định về thả nuôi.
Anh Trạng cho hay, khu đất của gia đình nằm cách xa khu dân cư rất phù hợp cho việc chăn nuôi, thế nhưng lại nằm ở vị trí cao nên không có được nguồn nước tự nhiên. Hằng ngày, bản thân phải kéo chở 500 lít nước ở con suối cách trang trại 300m để phục vụ cho việc chăn nuôi, sinh hoạt. Lúc mới bắt đầu không có vốn nhiều nên anh tận dụng tre, gỗ có sẵn để làm chuồng trại.
Là dân tay ngang, không có nhiều kinh nghiệm, thời gian đầu anh phải túc trực thường xuyên để theo dõi từng dấu hiệu của đàn gà. Có thời điểm gà đứng giá nên bản thân phải bù lỗ, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Dần dà, anh gỡ khó được bài toán kỹ thuật trong chăn nuôi gà và bắt đầu nhân rộng đàn. Anh xây thêm 1 trại gà 100m2 để nuôi theo hình thức gối đầu.
Mở rộng
Tính đến nay, trang trại anh luôn có từ 2.000 con gà, lứa này xuất bán, anh sẽ nhập lứa mới về tái đàn để đảm bảo không thiếu nguồn hàng cung cấp cho các thương lái trong vùng. Khi gà đủ 3 tháng tuổi, anh Trạng sẽ xuất bán 1 đợt (khoảng 500 gà thịt), sau khi trừ chi phí anh thu lời 20 triệu đồng/đợt. Trung bình 1 năm xuất bán 10 đợt, mang lại thu nhập 200 triệu đồng. Nhờ ổn định được việc nuôi gà, anh Trạng tiếp tục cải tạo vườn của mình để trồng trọt các loại cây ăn quả và đang tính đến việc chăn nuôi bò.
|
Anh Trạng tự tay xây dựng chuồng bò để chuẩn bị cho dự án chăn nuôi mới. Ảnh: THÁI CƯỜNG |
Theo anh Trạng, để thuận lợi cho việc trồng trọt, gia đình bỏ ra 20 triệu đồng đóng giếng từ con suối để dẫn nước về, tạo sự chủ động trong việc trồng trọt, chăn nuôi. “Diện tích đất gia đình còn rất nhiều, thế nhưng vì trước đây không có người chăm nên phải trồng cây keo lá tràm. Sau đợt keo này, gia đình sẽ trồng các loại cây ăn quả để tăng giá trị kinh tế” - anh Trạng nói.
Làm kinh tế giỏi và cũng là hạt nhân tiêu biểu trong các hoạt động phong trào của cơ sở, anh Trạng được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn thôn 4. Với trách nhiệm của mình, anh dẫn dắt chi đoàn tham gia tốt các hoạt động do địa phương tổ chức. Đồng thời bản thân anh cũng là người truyền lửa cho các bạn trẻ trong xã về kinh nghiệm chăn nuôi.
Bí thư Đoàn xã Tiên Sơn - chị Cao Thị Vân Lưu cho hay, anh Trạng là đảng viên trẻ, có quyết tâm trong việc xây dựng mô hình phát triển kinh tế đầu tiên tại địa bàn thôn 4. Mô hình của anh được nhiều thanh niên trong và ngoài xã đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Bản thân anh Trạng là người thủ lĩnh cơ sở tích cực trong việc đoàn kết, tập hợp thanh niên tham gia vào các hoạt động đoàn.
“Đoàn xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện để anh Trạng tham gia các lớp tập huấn kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt; hỗ trợ anh vay vốn để tiếp tục phát triển mô hình kinh tế theo hướng Đề án 548 của huyện Tiên Phước” - chị Lưu nói.
THÁI CƯỜNG