Một bài thơ đặc biệt của cụ Huỳnh
- Chủ nhật - 21/04/2019 22:55
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng trên núi Thiên Ấn (Quảng Ngãi). |
Bài ca lưu biệt
Năm 1908, khi phong trào kháng thuế nổ ra ở Quảng Nam, rồi lan sang nhiều tỉnh của miền Trung, thực dân Pháp cho rằng nguyên nhân cuộc “bạo loạn” là do các sĩ phu đề xướng phong trào Duy tân xúi giục, vì vậy toàn bộ những người tham gia phong trào đều bị bắt. Lúc này, Huỳnh Thúc Kháng đang ở quê nhà Tiên Phước là nơi hoàn toàn yên tĩnh nhưng cũng bị bắt, bị kết án khổ sai chung thân, đày đi Côn Đảo. Khi đang bị giam ở nhà lao Hội An chờ ngày lên tàu ra đảo, ông làm Bài ca lưu biệt. Đây là bài thơ thuộc thể hát nói gồm 17 câu:
Trăng trên trời khi tròn khi khuyết
Người ở đời sao khỏi tiết gian nan
Đấng trượng phu tùy ngộ nhi an
Tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn
Tiền lộ định tri thiên hữu nhãn
Thâm tiêu do hứa mộng hoàn gia
Bấy nhiêu năm ngẫm cũng chưa già
Nọ núi Ấn, này sông Đà
Non sông ấy còn chờ ta thêu dệt
Kìa tụ tán chẳng qua là tiểu biệt
Ngựa Tái ông họa phúc biết về đâu?
Một mai kia con tạo khéo cơ cầu
Thảy bốn bể cũng trong bầu trời đất cả.
Ư bách niên trung tu hữu ngã
Dẫu đến lúc núi sụp biển lồi, trời nghiêng đất ngả
Tấm lòng vàng tạc đá vẫn chưa mòn
Trăng kia khuyết đó lại tròn…
Bài thơ rất đặc biệt, có cả chữ Hán lẫn Quốc ngữ lại sử dụng nhiều điển cố. Về chữ Hán, trong số 17 câu thì đã có 5 câu chữ Hán:
Đấng trượng phu tùy ngộ nhi an (Kẻ trượng phu dù gặp hoàn cảnh nào cũng yên tâm chấp nhận).
Tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn (Gặp hoạn nạn thì xử trí theo hoạn nạn).
Tiền lộ định tri thiên hữu nhãn (Trên đường đi biết chắc trời luôn có mắt).
Thâm tiêu do hứa mộng hoàn gia (Đêm khuya còn chiêm bao thấy về lại nhà).
Ư bách niên trung tu hữu ngã (Trong khoảng trăm năm cần phải có ta).
Về điển tích, có “Tái ông thất mã” (Ông họ Tái mất ngựa); Trên đường đi biết chắc trời luôn có mắt; Đêm khuya còn mơ thấy về nhà…
Đây là bài thơ hay, thể hiện niềm tin sắt đá vào con đường đã chọn của các nhà Duy tân và tinh thần lạc quan, luôn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc, xứng đáng là một bông hoa tươi thắm trong vườn thơ ca yêu nước và cách mạng Việt Nam ở thế kỷ 20. Một giọng thơ hùng tráng. Một khí phách hiên ngang. Một tinh thần lạc quan bất khuất.
Bài thơ lấy núi Ấn và sông Đà Nẵng làm biểu tượng cho xứ Quảng, một biểu tượng xưa nay ít được dùng vì vậy nó trở thành một “biểu tượng lạ” sau này khi ông nằm xuống có người đã “ngộ nhận”!
Bài thơ từng được sử dụng trong phần đọc thêm sách giáo khoa Văn học 11 giai đoạn 1990 - 2006, nhưng đã bị lược bỏ trong sách giáo khoa Ngữ văn 11 từ năm 2007, có lẽ do nội dung chương trình quá tải, lại là bài thơ quá khó (nhiều câu chữ Hán, nhiều điển tích) so với học sinh (và có lẽ cả giáo viên) lớp 11.
Bài ca lưu biệt là một trong những bài đầu tiên của “thi tù” nhưng lại không có tên trong cuốn Thi tù tùng thoại, cuốn “sử tù” về một giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc.
Những “ngộ nhận”
Cuối năm 1946, Huỳnh Thúc Kháng với tư cách là Bộ trưởng Nội vụ, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt được Chính phủ cử đi công tác ở vùng Nam Trung Bộ, nhằm kiểm tra việc chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến và động viên tinh thần của quân dân. Ông đã đến thăm nhiều nơi, trao đổi tình hình với nhiều thân hào nhân sĩ trong khu vực nhất là ở Quảng Nam. Khi đến cơ quan Ủy ban Kháng chiến Nam Trung Bộ ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi thì ông bị bệnh do tuổi già và làm việc quá sức trên đường công tác. Ông đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 21.4.1947 tại gia đình bà Võ Thị Tuyết ở thôn Phú Bình, xã Hành Phong, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quãng Ngãi, thọ 71 tuổi.
Đang thời kỳ chiến tranh, không muốn nhân dân phải khó nhọc vượt đường xa đưa mình về quê nên Huỳnh Thúc Kháng lúc sắp mất có di nguyện là được an táng trên núi Thiên Ấn. Mặt khác, có lẽ đối với ông Quảng Nam hay Quảng Ngãi cũng đều là quê hương vì từ ngày nhập cuộc ông đã quyết lấy “đất nước” làm “quê hương”! Làm theo tâm nguyện của ông, nhân dân Quảng Ngãi đã an táng ông trên núi Thiên Ấn nhìn xuống sông Trà Khúc, một “Thiên ấn niêm hà”, đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi. Mộ ông ngày nay vẫn còn tại đây và được công nhận là Di tích Văn hóa lịch sử cấp quốc gia.
Trong Bài ca lưu biệt, Huỳnh Thúc Kháng có viết: Kìa núi Ấn, nọ sông Đà. Non sông ấy còn chờ ta thêu dệt. Núi Ấn ở đây là ngọn Ấn Sơn, một đỉnh núi cao nằm giữa hai huyện Quế Sơn và Duy Xuyên. Ngọn núi này được Quốc sử quán triều Nguyễn mô tả trong Đại Nam nhất thống chí như sau: “Núi Ấn: ở phía tây núi Tào Sơn chỗ giáp giới hai huyện Duy Xuyên và Quế Sơn, hình thể cao vót, đỉnh núi như hình cái ấn vuông sắc đỏ, nên gọi thế; lại có tên là núi Chúa vì trên núi có đền thờ bà chúa Ngọc Tiên Nương… Phía đông nam tục gọi là đèo Sứ, có khe Thạch Bàn, nước khe chảy về phía bắc đổ vào nguồn Thu Bồn…” (Nxb Thuận Hóa, trang 350). Còn sông Đà chính là cách gọi dòng sông ở Đà Nẵng, bao gồm sông Hàn và Cẩm Lệ ngày nay.
“Núi Ấn sông Đà” được Huỳnh Thúc Kháng sử dụng như là hình tượng biểu trưng cho quê hương Quảng Nam của ông. Núi Ấn và sông Đà là biểu trưng cho sông núi xứ Quảng nhưng ít phổ biến. Khi nói về xứ Quảng phần lớn người ta đều biểu trưng bằng sông Thu Bồn và Ngũ Hành Sơn, vì vậy rất nhiều người không biết đến biểu trưng “núi Ấn sông Đà”. Biểu trưng “núi Ấn sông Đà” lại na ná về âm điệu so với “Núi Ấn sông Trà”, nên đã làm cho nhiều người ngộ nhận, nhất là những người trẻ không biết hoàn cảnh ra đời của bài thơ và biểu tượng. Họ cho rằng câu thơ trên bị viết sai, đúng ra phải là “núi Ấn sông Trà” - nơi an nghỉ của Huỳnh Thúc Kháng!
Có người đi xa hơn, còn cho rằng cụ Huỳnh là người thông tuệ, lúc sinh thời đã tiên đoán rằng mình sẽ được an giấc nghìn thu tại Quảng Ngãi để thêu dệt thêm gấm hoa cho non sông “Núi Ấn sông Trà”(!). Đó là “nghi ngẫu” của định mệnh hay là một thứ “định mệnh” đã buộc vào “thần khẩu” để trở thành một thứ “sấm ngữ”, vô tình được thốt ra trước đó… 39 năm!
Nhưng chắc chắn một điều ngày nay xứ “núi Ấn sông Đà” và “núi Ấn sông Trà” đều rất vinh dự là nơi sinh và nơi an nghỉ của nhà chí sĩ suốt đời vì dân vì nước.
LÊ THÍ - Nguồn: BÁO QUẢNG NAM