Huyện đoàn Tiên Phước, Hội LHTN Việt Nam, Hội đồng Đội, tuổi trẻ huyện Tiên Phước

https://tuoitretienphuoc.vn


JOHUOSE – NÔNG NGHIỆP THUẦN TỰ NHIÊN

Thực hiện Chương trình công tác Đoàn và phong trào Thanh thiếu nhi huyện Tiên Phước năm 2021 với chủ đề “Thanh niên Tiên Phước khởi nghiệp, sáng tạo” , Huyện đoàn – Hội LHTN huyện Tiên Phước đã có những giải pháp khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của thanh niên, đồng thời hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy thanh niên phát triển kinh tế, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đóng góp vào quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Qua quá trình triển khai, trên địa bàn huyện Tiên Phước đã xuất hiện nhiều mô hình mới, quy mô, trong đó phải kể đến mô hình “Johouse - Nông nghiệp thuần tự nhiên” của đôi vợ chồng trẻ Ngọc Quyền và Hoàng Trúc ở thôn 2, Tiên Lập.

Bỏ phố về quê

Từ thôn 2 (xã Tiên Lập, Tiên Phước), băng bộ qua đoạn đường núi dài gần 2 cây số ngổn ngang đá dốc, chúng tôi mới đến được trang trại JoHouse của Nguyễn Thị Hoàng Trúc (SN 1994, quê Tiên Lập). Nơi ở của vợ chồng Trúc là một căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa màu xanh mượt của rừng. Quyền và Trúc đã ở đó từ gần một năm nay, cũng là quãng thời gian bắt đầu một giấc mơ của cuộc đời mình.


Gác lại những xô bồ của phố thị, Quyền (cử nhân tài chính kế toán) và Trúc (cô giáo mầm non tại một ngôi trường quốc tế có tiếng ở Đà Nẵng) đã trở về quê bắt tay vào xây dựng dự án “ Johouse - Nông nghiệp thuần tự nhiên”. Về quê, hai vợ chồng có nhiều thời gian hơn để phụ giúp ba mẹ chuyện vườn tược, nhưng rồi vô tình việc chăm bón cây cỏ dần lớn hơn một thú vui, Quyền bắt đầu quen việc, yêu thích hơn, có lúc quên bẵng đi công việc “bàn giấy” của mình. “Cùng lúc đó, ba mẹ Trúc có động viên cải tạo khoảng một héc ta đất rẫy để trồng cây ăn quả kiếm thêm thu nhập. Đôi bạn trẻ đã bắt tay vào thực hiện, dần gắn bó và trở thành nông dân thực thụ như bây giờ. JoHouse được “khai sinh”, hai vợ chồng quyết định sẽ theo đuổi một câu chuyện hoàn toàn mới mẻ của đời mình. 
Thuần tự nhiên

Bước chân vào nông nghiệp, vợ chồng Quyền không muốn đi theo lối mòn phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật… Ở JoHouse, mọi thứ sẽ được phát triển thuần theo tự nhiên, tạo ra những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và đặc biệt là thân thiện, cải tạo được môi trường sống. Quyền bắt tay xây dựng JoHouse bằng việc trồng cỏ phủ xung quanh nông trại. Khác với suy nghĩ của nông dân là cỏ thường gây hại cho cây trồng, Quyền cho rằng, cỏ có thể che phủ, hạn chế xói mòn, tạo sinh khối vững chắc để bảo vệ nền đất. Cỏ cũng giúp cải thiện lượng hữu cơ trong đất khi bị phân hủy tự nhiên, bên cạnh đó, còn là môi trường thuận lợi cho hệ sinh vật đất phát triển, giúp tránh được sự tấn công của nấm bệnh… Cùng lúc, anh đào 4 ao nước, mỗi ao có diện tích gần 100m2, vừa thả nuôi cá diêu hồng, ốc bươu đen tạo sinh kế vừa là yếu tố quan trọng trong việc cân bằng độ ẩm của nông trại. Quyền trồng thêm các cây hoa họ cúc để tạo “thuốc trừ sâu tự nhiên”, kiểm soát rệp rừng, sâu bướm gây hại và các loại cây đậu để cung cấp đạm hữu cơ cho đất…

Hai vợ chồng chăm sóc, cải tạo lại 10 cây thanh trà đang độ trổ hoa, ươm giống và trồng thử nghiệm các loại cây khác như mít, bơ, bồ hòn, chuối, sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, măng tre, chanh giấy… Cơ cấu vườn JoHouse được dựng lên giống như một khu rừng tự nhiên với những cây cao che tán, cây ăn trái vừa cỡ, những cây bụi, gai leo và một lớp mọc sát mặt đất gồm cỏ dại, những cây thường xuân, thảo dược, rau…


Trang trại còn có thêm vài đàn gà, vịt, ao cá, một con bò, những tổ ong, chim chóc và các loài sinh vật hoang dã khác như ếch nhái, sóc, thỏ… Vì không tác động bằng hóa chất, công nghệ hiện đại nên vườn của vợ chồng Quyền phát triển chậm hơn so với các nông trại khác. Nguồn thu chủ yếu của nông trại chỉ dựa vào 10 gốc thanh trà đang rộ trái, gần 100 con vịt đang đẻ trứng hằng ngày, xuất bán được vài lứa cá diêu hồng và một ít rau sạch… Ngoài những sản phẩm tươi sống, JoHouse còn ghi tên mình với chế phẩm do chính tay Hoàng Trúc làm ra là mứt vỏ bưởi và mứt dẻo tép thanh trà. Số lượng tuy không nhiều, nhưng điều Trúc và Quyền tâm đắc, là mình đem đến những sản phẩm sạch, thuần tự nhiên nhất có thể. “Nếu đặt nặng vấn đề kinh tế, tụi em đã không thể bắt đầu, đừng nói gì theo đuổi đến tận bây giờ. Có một niềm tin, mà tụi em vẫn luôn tin, là khi cái mình làm ra thực sự sạch, thuần và tinh nhất, giá trị không chỉ nằm ở lợi nhuận, mà còn là một sự đóng góp cho môi trường, cho sức khỏe và cho cuộc sống xanh hơn” - Trúc tâm sự.

 

Biết đến mô hình thông qua buổi “Cà phê với thanh niên khởi nghiệp năm 2021” do Huyện đoàn tổ chức vào tháng 3; vừa qua, Huyện đoàn – Hội LHTN Việt Nam đã đến tham quan mô hình; đến tận nơi mới cảm nhận được bầu không khí trong lành một cách kỳ lạ, những tiếng chim líu lo đem lại cảm giác bình yên…


Trao đổi với chúng tôi, đôi bạn Quyền – Trúc cũng đã rất cởi mở, thẳng thắng đặt những vấn đề mà 2 bạn đang gặp phải trong quá trình thực hiện mô hình. Quyền nói: “Đam mê chúng tôi có, điều kiện đất đai, vườn tược chúng tôi có nhưng với điều kiện không đường, không điện, xa khu dân cư gây không ít khó khăn trong việc triển khai dự án. Đặc biệt, khi mô hình của chúng tôi đem lại hiệu quả cao hơn thì việc tiêu thụ sản phẩm sẽ gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi được biết đến Đề án 548 của huyện Tiên Phước về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng và rất mong muốn được đăng ký tham gia để có điều kiện mở rộng mô hình của vợ chồng tôi”. Khi lắng nghe được tâm tư của 2 bạn, BTV Huyện đoàn cũng đã giới thiệu, hướng dẫn về điều kiện, cách đăng ký tham gia Đề án 548 và hướng dẫn các bạn xây dựng dự án tham gia Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” tỉnh Quảng Nam năm 2021. Đồng thời, BTV Huyện đoàn cũng đã tặng 01 suất quà trị giá 01 triệu đồng cho đôi bạn trẻ.

Tác giả bài viết: Huyện đoàn Tiên Phước

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây