Đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025” của huyện Tiên Phước (gọi tắt là Đề án 548) được UBND tỉnh cho triển khai thực hiện đã mở ra một trang mới cho triển vọng phát triển KTV-KTTT, du lịch sinh thái ở vùng quê Tiên Phước.Đề án 548 gồm 6 nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Nhiệm vụ thứ nhất: BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ KHÔNG GIAN VĂN HÓA LÀNG TRUYỀN THỐNG:
1.1. Bảo tồn, phát huy giá trị không gian cảnh quan:
Đầu tư xây dựng điểm 3 Cụm: Lộc Yên – Thạnh Bình – An Sơn của xã Tiên Cảnh; Hội An – Thanh Khê – Thanh Bôi, xã Tiên Châu và Làng Phú Lâm – Tiên Sơn về bảo tồn, phát huy các giá trị, cảnh quan không gian làng truyền thống của Vùng Trung du Quảng Nam. Tập trung trùng tu, tôn tạo đồng bộ các kiến trúc cổ, tôn tạo cảnh quan làng, kết hợp đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, điện, thiết chế văn hóa, điểm đón khách, nhà vệ sinh và các công trình phụ trợ cần thiết khác trở thành những điểm văn hóa sinh thái làng quê hấp dẫn, đón khách tham quan từ năm 2018.
- Khảo sát, đánh giá thực trạng, tiềm năng về văn hóa, lịch sử liên quan đến cảnh quan không gian làng truyền thống. Quy hoạch không gian làng. Bảo tồn và phát huy yếu tố tích cực của làng quê Quảng Nam gồm: không gian ở, không gian sản xuất và không gian cảnh quan.
- Xây dựng thiết chế văn hóa phù hợp với không gian Làng truyền thống.
- Hỗ trợ bảo tồn không gian Làng:
+ Đối tượng hỗ trợ: Các tuyến đường xác định vùng lõi, vùng đệm, vùng ưu tiên tại các xã, thị trấn.
+ Cơ chế và định mức hỗ trợ:
Trên các tuyến đường, đất thuộc sở hữu của hộ gia đình, khuyến khích gia đình thực hiện, Nhà nước hỗ trợ sau đầu tư với mức 50% giá cây giống, 50% giá vật liệu.
Trên các tuyến đường đất công cộng, vận động các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, HTX thực hiện, Nhà nước hỗ trợ sau đầu tư 100% giá cây giống, trồng sống đảm bảo tiêu chuẩn và 70% giá vật liệu, phần còn lại nhân dân trong vùng tự đóng góp.
1.2. Bảo tồn, phát huy giá trị đối với Nhà ở truyền thống:
Khảo sát, đánh giá thực trạng của từng ngôi nhà, đề xuất các giải pháp tu bổ, tôn tạo. Giai đoạn 2017 – 2020 thực hiện tu bổ cấp thiết khoảng 14 ngôi nhà cổ có giá trị bị xuống cấp nghiêm trọng tại làng cổ Lộc Yên (Tiên Cảnh) và Hội An (Tiên Châu). Từ 2020 – 2025 tổ chức khảo sát và tiếp tục hỗ trợ tu bổ tất cả các ngôi nhà cổ có niên đại từ 100 năm trở lên tại các xã, thị trấn. Khuyến khích và có chính sách hỗ trợ nhân dân bảo tồn, phục dựng không gian ở truyền thống; xây dựng một số mô hình Homestay phục vụ nhu cầu của khách tham quan, lưu trú.
1.3. Bảo tồn và phát huy giá trị Văn hóa phi vật thể:
- Các Di sản Văn hóa phi vật thể của Làng quê Tiên Phước đó là toàn bộ phong tục tập quán, Lễ hội, Văn học dân gian, tri thức dân gian, trang phục và diễn xướng dân gian... Tổ chức tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn huyện. Trên cơ sở đó lựa chọn những di sản có giá trị, xây dựng một số sản phẩm Du lịch để phục vụ nhu cầu của du khách.
- Xây dựng Bảo tàng đời sống dân gian của cư dân huyện Tiên Phước.
- Xây dựng các Câu lạc bộ trình diễn nghệ thuật dân gian: hát tuồng, hát múa sắc bùa, hò khoan ứng đáp, hát ru...
- Phục dựng các Lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện như Hội Vây, hội làng (cúng tiền hiền, hậu hiền)…
- Tổ chức Lễ hội văn hóa Xứ Tiên (định kỳ hàng năm hoặc hai năm 1 lần) để giới thiệu những sản phẩm đặc trưng: ẩm thực, trái cây đặc sản, nhà cổ, thi người đẹp Xứ Tiên với trang phục truyền thống.
2. Nhiệm vụ thứ hai: BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ KHÔNG GIAN VĂN HÓA ĐÁ, VĂN HÓA NHÀ - VƯỜN:
2.1. Nội dung:
Bảo tồn và phát huy giá trị không gian Văn hóa Đá, Văn hóa Nhà – Vườn của Trung du xứ Quảng nói chung, Tiên Phước nói riêng, thông qua việc hỗ trợ chỉnh trang vườn, bố trí không gian cảnh quan Vườn – Nhà hài hòa đảm bảo các yếu tố truyền thống và hiện đại về không gian ở của người dân trong các Làng quê Quảng Nam xưa. Xây dựng bờ vườn, đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh trên các tuyến đường được quy hoạch vùng lõi, vùng đệm. Xây dựng Tiêu chí và xét công nhận ngõ xóm, đường làng, khu vườn đẹp-hiệu quả.
2.2. Hỗ trợ chỉnh trang vườn - nhà:
2.2.1 Đối tượng hỗ trợ:
Hộ gia đình có hộ khẩu thường trú tại các xã, thị trấn trong huyện Tiên Phước, có Vườn nhà và phương án đăng ký thực hiện chỉnh trang theo hướng bảo tồn, phát huy không gian Vườn - Nhà được UBND cấp xã kiểm tra, xác nhận.
2.2.2. Hạng mục và định mức hỗ trợ:
a) Cổng ngõ, ngõ đá: Làm cổng ngõ mới hoặc sửa chữa cổng ngõ cũ đạt yêu cầu được hỗ trợ 3 triệu đồng. Ngõ lát đá tự nhiên chiều rộng từ 1,5m trở lên, chiều dài tối thiểu 5m, được hỗ trợ 100.000 đồng/m chiều dài. Trường hợp ngõ đá hẹp dưới 1,5m nhưng các hạng mục hàng rào xanh đã hoàn chỉnh không thể mở rộng ngõ đá cũng có thể xem xét hỗ trợ.
b) Hàng rào xanh, bậc đá: Trồng mới hàng rào xanh hỗ trợ 30.000 đ/m tới. Chất bậc đá để trồng hàng rào xanh hoặc bậc đá tạo thửa bậc thang, bậc đá xung quanh vườn có chiều dài tối thiểu 10m, độ cao từ 0,5m trở lên, được hỗ trợ 50.000 đồng/m tới chiều dài. Bờ đá 2 mặt được tính gấp đôi, tối đa không quá 100m tới. Đối với vùng lõi không giới hạn chiều dài.
c) Xây dựng hệ thống tưới nước đảm bảo về mùa nắng, hỗ trợ 50% chi phí, tối đa không quá 5 triệu đồng/hệ thống (giếng, máy bơm hoặc hệ thống tự chảy, hồ hoặc bể bồn chứa nước, đường ống bơm, hệ thống tưới tiết kiệm, bét quay…).
d) Cây trồng bổ sung: Các loại cây trồng mới bổ sung vào vườn từ 20 cây đến 100 cây (hoặc choái Tiêu) được hỗ trợ theo định mức sau: Tiêu Tiên Phước hỗ trợ 50.000 đồng/choái. Thanh trà, Sầu riêng ghép, Lòn bon ghép, Măng cụt, Dừa xiêm lùn hỗ trợ 30.000 đồng/cây. Cam, Quýt, Bưởi, Mận, Mít ghép hỗ trợ: 20.000 đồng/cây.
e) Bảo vệ cây lưu niên: Cây lưu niên được gắn biển, chủ hộ được hỗ trợ chi phí chăm sóc 200.000 đồng/cây/năm.
g) Di dời chuồng gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh, môi trường, hỗ trợ 1 triệu đồng/chuồng, tối đa không quá 2 chuồng. Xây dựng hầm bioga, đệm lót sinh học hỗ trợ theo cơ chế Quyết định số 08/2016/QĐ-UBND ngày 12/4/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam.
h) Ao cá xây dựng mới từ 50 m2 trở lên đảm bảo kỹ thuật, mỹ quan hỗ trợ 3 triệu đồng/50 m2 đầu tiên và tăng thêm 1 triệu đồng/50 m2 tiếp theo, nhưng không quá 5 triệu đồng/hộ.
i) Hồ cảnh quan xây dựng từ 20 m2 trở lên, có non bộ, cây cảnh được hỗ trợ 3 triệu đồng.
* Tổng mức hỗ trợ:
- Hộ thuộc vùng lõi được hỗ trợ tối đa không quá 20 triệu đồng.
- Hộ thuộc vùng đệm được hỗ trợ tối đa không quá 15 triệu đồng.
- Hộ ngoài vùng lõi và vùng đệm hỗ trợ tối đa không quá 10 triệu đồng.
3. Nhiệm vụ thứ ba: XÂY DỰNG MÔ HÌNH KINH TẾ VƯỜN VÀ KINH TẾ TRANG TRẠI BỀN VỮNG:
3.1. Nội dung thực hiện:
- Hỗ trợ xây dựng các mô hình Kinh tế vườn quy mô lớn. Tập trung ở các xã có tiềm năng như Tiên Hiệp, Tiên Châu, Tiên Lãnh, Tiên Cảnh, Tiên Mỹ... số lượng trên 1000 cây ăn quả, choái tiêu, cây dược liệu, cây công nghiệp lâu năm. Đây là những khu vườn đa tầng, đa canh, đa sản phẩm để tạo ra hàng hóa đa dạng, phong phú theo hướng an toàn, bền vững.
- Xây dựng các mô hình Kinh tế trang trại tổng hợp sản xuất các loại cây trồng đặc trưng của huyện, kết hợp chăn nuôi, tạo sản phẩm hàng hóa lớn, tạo thế phát triển bền vững, ổn định, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Qua đó hình thành nên các sản phẩm du lịch với các hoạt động tham quan Vườn, Trang trại, tham gia chăm sóc, thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.
- Ưu tiên đầu tư một số vườn chuyên canh theo quy mô gia trại, trang trại với các loại cây đặc sản của Tiên Phước, Quảng Nam như: Thanh trà, Lòn bon, Tiêu, Mít tại Tiên Châu, Tiên Cảnh… Dự án trồng sơ chế cây dược liệu, Công viên dược liệu Quốc gia… nhằm tạo điểm nhấn về Kinh tế vườn của Tiên Phước phục vụ phát triển du lịch sinh thái, tạo điểm dừng chân, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của huyện như: Khu Gò Trảu-Tiên Kỳ; Hòn nhón, thác Ồ ồ - Tiên Châu; Vườn đình-Tiên Cảnh, Sông Tranh- Tiên Lãnh; Suối Trảu-Tiên Mỹ, Hang dơi -Tiên An...
3.2. Đối tượng và cơ chế hỗ trợ:
3.2.1. Đối tượng được hỗ trợ:
Hộ gia đình, THT, HTX, doanh nghiệp thực hiện trồng mới, chăm sóc cây trồng trong thời gian từ năm 2017 đến 2025.
3.2.2 Cơ chế hỗ trợ:
- Xây dựng vườn ươm:
Ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% theo phương án được phê duyệt, tối đa không quá 500 triệu đồng.
- Các loại cây trồng được hỗ trợ:
a) Cây Tiêu Tiên Phước:
Trồng mới theo mô hình trên 100 choái Tiêu đảm bảo kỹ thuật, hỗ trợ 10 triệu đồng/mô hình. Mô hình trên 250 choái hỗ trợ 24 triệu đồng. Mô hình 500 choái hỗ trợ 48 triệu đồng. Mô hình trồng từ 01 ha trở lên (1100 choái/ha) được hỗ trợ 100 triệu đồng/ha. Đối với hộ gia đình, trang trại hỗ trợ không quá 2 ha; THT không quá 5 ha; HTX, doanh nghiệp không quá 10 ha tập trung.
b) Cây Thanh trà, Măng cụt, Sầu riêng: Hỗ trợ xây dựng mô hình từ 100 cây trở lên 7,5 triệu đồng; từ 01 ha trở lên (160-200 cây/ha) được hỗ trợ 10 triệu đồng/ha, không quá 2 ha/hộ; 5 ha/trang trại; THT không quá 10 ha; HTX, doanh nghiệp không quá 20 ha.
c) Cây Lòn bon: trồng từ 0,5 ha trở lên giống Lòn bon ghép hỗ trợ 10 triệu đồng/ha, hỗ trợ không quá 2 ha/hộ; 5 ha/trang trại; THT không quá 10 ha; HTX, doanh nghiệp không quá 20 ha. Trồng bằng cây gieo hạt mức hỗ trợ bằng 30% so với giống cây ghép.
d) Nhóm Dó, Chuối (cấy mô), Cau, Quế và cây có múi (Bưởi da xanh, Cam, Quýt): Trồng từ 01 ha trở lên, hỗ trợ 6 triệu đồng/ha, không quá 3 ha/hộ; 5 ha/trang trại; THT không quá 10 ha; HTX, doanh nghiệp không quá 20 ha.
- Đối với Trang trại:
a) Hộ gia đình, THT, HTX, doanh nghiệp đầu tư xây dựng Trang trại được hưởng đầy đủ các cơ chế ưu đãi theo quy định hiện hành của Trung ương và của Tỉnh về giao đất, cho thuê đất, miễn giảm tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế, được hỗ trợ về tín dụng, giống cây trồng, vật nuôi, khoa học công nghệ, tiêu thụ sản phẩm.
b) Ngoài cơ chế hỗ trợ của Trung ương và của Tỉnh, các hộ gia đình, THT, HTX, doanh nghiệp đầu tư xây dựng Trang trại trên địa bàn huyện được hỗ trợ những nội dung sau:
+ Hỗ trợ các loại cây trồng theo mô hình: Tiêu, Thanh trà, Măng cụt, Sầu riêng, Lòn bon, Chuối, Dó, Cau, Quế, Bưởi, Cam, Quýt theo quy định tại các điểm a, b,c, d mục 2.2.2.
+ Tư vấn hướng dẫn lập thủ tục tích tụ đất để sản xuất phát triển trang trại theo Luật đất đai năm 2013. Tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ.
+ Xây dựng các công trình phục vụ sản xuất (giao thông, điện...) đến chân Trang trại.
+ Hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư xây dựng hệ thống tưới tự chảy, giếng đào, giếng khoan, hệ thống tưới tiết kiệm... nhưng không vượt quá 50 triệu đồng/Trang trại.
+ Hỗ trợ một phần lãi vay Ngân hàng (2%/năm đối với vay ngắn hạn; 3%/năm đối với vay dài hạn nhưng không quá 60 tháng) cho mức vay không quá 500 triệu đồng đối với hộ gia đình, 1 tỷ đồng đối với THT, HTX và 3 tỷ đồng đối với doanh nghiệp.
- Hỗ trợ tham gia các hội chợ, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, quảng bá, xây dựng thương hiệu, mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm, công nghệ sơ chế, tinh chế, Nhà nước đóng vai trò trọng tài hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với nông dân.
+ Cấp Giấy chứng nhận Trang trại đạt tiêu chí quy định tại Thông tư số 27/2011/TT-BNN của Bộ NN-PTNT và được hỗ trợ 10 triệu đồng/Trang trại.
4. Nhiệm vụ thứ tư: BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY CÁC LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG VÀ GIÁ TRỊ DI TÍCH, DANH THẮNG:
4.1. Bảo tồn và phát huy giá trị các Di tích, Danh thắng:
- Khảo sát, lựa chọn lập hồ sơ các di tích có giá trị, đến năm 2025 đề nghị các cấp xếp hạng 10 – 12 Di tích cấp tỉnh, 2-3 Di tích Quốc gia.
- Tu bổ, tôn tạo, phục dựng đối với các Di tích xuống cấp, đến năm 2025 tất cả các Di tích được xếp hạng được tu bổ tôn tạo, phục dựng.
- Bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị danh thắng Lò Thung – Tiên Cảnh, Thác Ồ Ồ - Tiên Châu. Xây dựng Công viên đá Lò Thung. (Kèm theo phụ lục số 5- 6).
4.2. Khôi phục và phát triển Làng nghề đặc trưng:
Bảo tồn và phát triển các Làng nghề mang đậm nét văn hóa truyền thống, các Làng nghề mới hình thành, các Làng nghề có khả năng phát triển độc lập, bền vững. Xây dựng thí điểm một mô hình Làng nghề tập trung nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển ngành nghề nông thôn của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh của các cụm xã, tập trung xây dựng một số làng nghề như sau:
Bảo tồn và phát triển làng nghề mang đậm nét văn hóa truyền thống nhưng không có khả năng phát triển độc lập gồm:
+ Làng nghề mây tre đan Tiên Mỹ.
+ Làng nghề khai thác mật Ong rừng nguyên sinh Tiên Châu.
+ Làng nghề Quế kẹp Tiên Cảnh.
Bảo tồn và phát triển các Làng nghề truyền thống: Những làng nghề có khả năng phát triển độc lập, bền vững, bao gồm cả những Làng nghề có thể phát triển lan tỏa, Làng nghề gắn với Du lịch hoặc những Làng nghề hình thành hoạt động gia công cho các doanh nghiệp, cơ sở xuất khẩu:
+ Làng nghề Trầm hương, Trầm cảnh tại thị trấn Tiên Kỳ và các xã.
+ Làng nghề trồng và chế biến Nấm Lim Xanh ở các xã.
+ Nghề nuôi Ong mật ở các xã, thị trấn.
+ Làng nghề chế biến nông sản tại Tiên Cảnh, Tiên Mỹ, Tiên Sơn. Các sản phẩm gồm: Tiêu đóng hộp và các loại rượu Lòn bòn, Chuối, Nấm lim xanh được tinh chế, chưng cất, ngâm, chuối, mít sấy…
4.3 Phục dựng Chợ quê Tiên Phước:
- Chợ quê vừa là không gian văn hóa đặc trưng của chợ quê Quảng Nam, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống của du khách vừa là sản phẩm phục vụ nhu cầu tại chỗ của nhân dân. Địa điểm xây dựng tại thị trấn Tiên Kỳ. Quy hoạch bố trí một phần chợ Tiên Kỳ để phục dựng Chợ quê Tiên Phước.
- Chợ quê được thiết kế gồm các khu chính: Khu cho các Tiểu thương, Khu bà con nhà nông bán hàng nông sản và Khu vực để xe. Bố trí phân khu cụ thể như sau: Khu bày bán cho các Tiểu thương. Khu bán hàng nông sản. Khu bán hàng Thủ công mỹ nghệ. Khu ẩm thực dân gian. Thiết kế xây dựng không gian Chợ quê phải sử dụng nguyên vật liệu truyền thống, đảm bảo vừa vững chắc, vừa an toàn và thân thiện với môi trường. Các Tiểu thương buôn bán trong khu vực Chợ quê phải mặc trang phục áo bà ba hoặc các kiểu trang phục truyền thống của người Việt.
5. Nhiệm vụ thứ năm: XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ VƯỜN, KINH TẾ TRANG TRẠI VÀ DU LỊCH SINH THÁI LÀNG QUÊ:
5.1. Công trình Thủy lợi:
Đầu tư xây dựng các công trình Hồ chứa, Đập dâng trọng điểm, đa chức năng để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho tưới Vườn, Trang trại, cây lúa, cây màu và các cây trồng khác như: Đập Xai Mưa, Đập Ồ Ồ, Hồ chứa Mò Ó, Hồ chứa Suối Thỏ, Hồ chứa Hố Sơn, Hồ chứa La Sổ, Hồ chứa Suối Trảu, Hồ chứa thôn 6 xã Tiên Sơn, Hồ chứa Suối Cái, Hồ chứa thôn 11 xã Tiên Thọ, Hồ chứa Hố Ốc, Hồ chứa Thầu Đâu, Hồ chứa Hố Sâu. Hằng năm UBND tỉnh xem xét bố trí vốn từ nguồn ngân sách Tỉnh, ngân sách Trung ương và chương trình, dự án cho huyện Tiên Phước để đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình (không cơ cấu vào nguồn vốn thực hiện Đề án).
Tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống tưới tự chảy, tưới tiết kiệm nước, giếng đào, giếng khoan, trạm bơm điện phục vụ tưới trực tiếp cho các trang trại, vườn nhà, vườn đồi theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm (15 công trình Trạm bơm điện nhỏ, 100 công trình giếng khoan, 300 công trình giếng đào).
Tăng diện tích tưới Vườn từ 116 ha năm 2016 (3%) lên 782 ha năm 2020 (20%) và lên 70% (năm 2025).
5.2. Xây dựng, nâng cấp hệ thống đường Giao thông, Điện, Dịch vụ: - Đường ĐHTP 1 (Tiên Kỳ - Tiên Phong) dài 12 km được nâng cấp mở rộng mặt đường rộng 7,5 m nền đường rộng 10,5m.
- Đường ĐHTP 11 (Tiên Mỹ - Tiên Châu) dài 3 km được nâng cấp mở rộng mặt đường 3,5m nền đường rộng 6,5m.
- Đường ĐHTP 13 (Tiên Cảnh - Tiên Hà) dài 10 km được nâng cấp mở rộng mặt đường 3,5m nền đường rộng 6,5m.
- Đường ĐHTP 15 (Tiên Sơn - Tiên Cẩm - Tiên Phong - Tiên Thọ - Tiên Lập - Bắc Trà My) dài 39 km được nâng cấp mở rộng mặt đường 3,5m nền đường rộng 6,5m.
(Các công trình trên đầu tư theo Đề án kiên cố hóa mặt đường ĐH giai đoạn 2016-2020 của UBND tỉnh và các chương trình, dự án khác không cơ cấu vào nguồn vốn thực hiện Đề án).
- Lát đá đường Làng đến Vườn nhà đã chỉnh trang đạt tiêu chí: 10 km
- Cấp phối đường giao thông đến các mô hình Trang trại quy mô lớn: 20 km.
- Mở mới hệ thống giao thông phục vụ mở rộng khu vực sản xuất tập trung: 15 km.
- Nâng cấp đường vào trang trại gắn kết với điểm du lịch sinh thái: 10 km.
- Xây dựng một số nhà vệ sinh đạt chuẩn và một số thiết chế văn hóa Làng.
5.3 Hạ tầng Đô thị:
- Đầu tư xây dựng kết nối hạ tầng và sản phẩm Du lịch thị trấn Tiên Kỳ với 2 xã Tiên Cảnh, Tiên Châu. Xây dựng thị trấn Tiên Kỳ trở thành Trung tâm Du lịch của huyện, phát triển mạnh thương mại, dịch vụ, xây dựng hệ thống Siêu thị, Trung tâm thương mại, Khách sạn, Nhà hàng, điểm Du lịch, điểm vui chơi… đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm của khách du lịch. Xây dựng Khu phố mới Phước An, Khu đô thị Nam Tiên Kỳ, đến năm 2020 thị trấn Tiên Kỳ đạt chuẩn văn minh đô thị, hệ thống cơ sở hạ tầng hướng đến đô thị loại IV.
- Xây dựng mới ít nhất 2 Trạm dừng nghỉ tại thị trấn Tiên Kỳ, mỗi Trạm diện tích từ 3.000m2 - 5.000m2. Khôi phục Chợ quê Tiên Phước, Lễ hội văn hóa Xứ Tiên, Phố đi bộ, Phố ẩm thực, Làng thủ công mỹ nghệ Trầm Hương… tại thị trấn Tiên Kỳ; xây dựng hệ thống Biệt thự sinh thái phục vụ khách tham quan lưu trú qua đêm tại trung tâm huyện.
6. Nhiệm vụ thứ sáu: XÂY DỰNG HỆ THỐNG DỊCH VỤ, GIỚI THIỆU QUẢNG BÁ CÁC GIÁ TRỊ KINH TẾ, VĂN HÓA, SINH THÁI LÀNG MANG ĐẶC TRƯNG VÙNG TRUNG DU QUẢNG NAM:
6.1. Công tác giới thiệu quảng bá:
- Xây dựng Bản đồ phân bố các điểm đến (Vườn quy mô lớn, Vườn sinh thái, Trang trại, Di tích, Danh thắng)... nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành căn cứ để xây dựng các chương trình/tuor tham quan phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách.
- Lựa chọn các di sản có tiềm năng phục vụ phát triển Du lịch quảng bá các giá trị văn hóa phi vật thể tới du khách trong và ngoài nước thông qua tờ rơi, tờ gấp và các website về Du lịch.
- Tổ chức quay phim, chụp ảnh tư liệu phục vụ cho lưu giữ, giới thiệu và quảng bá di sản Văn hóa phi vật thể. Biên tập, lựa chọn ảnh và in ấn làm sản phẩm quà lưu niệm.
- Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp.
6.2. Xây dựng hệ thống Dịch vụ:
- Kêu gọi, tư vấn, hỗ trợ xây dựng và phát triển 3-4 doanh nghiệp hoặc hợp tác xã thực hiện cung ứng dịch vụ đầu vào, bao tiêu thu mua, chế biến, đóng gói và trưng bày giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp để tiêu thụ cho nông dân.
- Thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển mỗi lanf một sản phẩm giai đoạn 2018-2025 (chương trình OCOP Tiên Phước).
- Tổ chức trưng bày bán hàng nông sản tại các Trạm dừng nghỉ, Chợ quê, ký gởi, bán sản phẩm tại các Nhà hàng, điểm dừng chân của khách trên các Thành phố và Quốc lộ 1A tại tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng.
- Cơ chế hỗ trợ đối với cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói, tiêu thụ sản phẩm đầu ra:
+ Đối với cơ sở sản xuất, chế biến quy mô lớn: Thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ và Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND ngày 23/5/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.
+ Đối với cơ sở sản xuất, chế biến quy mô nhỏ không đạt tiêu chuẩn hỗ trợ theo quy định thì được hỗ trợ khuyến khích: Tạo điều kiện xét chọn chỉ định cho thuê mặt bằng. Chuyển giao khoa học công nghệ chế biến, đóng gói, dây chuyền sản xuất. Hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Tạo cầu nối giữa người sản xuất cung ứng nguyên liệu đầu vào và tiếp quản thị trường đầu ra. Mức hỗ trợ tối đa 2 tỷ đồng/cơ sở.