Bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2016, với số vốn ít ỏi ban đầu được gia đình đầu tư là 50 triệu đồng cộng với số tiền 100 triệu đồng vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, anh Cảnh tiến hành xây dựng chuồng trại để chăn nuôi 15 con lợn nái sinh sản. Nhờ nắm vững kiến thức chuyên môn đã được học và kinh nghiệm thực tiễn, anh chăm sóc, nuôi dưỡng đàn lợn nái khoa học và đúng kỹ thuật, từ khâu chọn giống, lên khẩu phần ăn, tiêm phòng và khử trùng chuồng nuôi đều được anh thực hiện nghiêm ngặt; đặc biệt là việc kiểm soát người và phương tiện ra vào chuồng nuôi hết sức quan trọng, tuyệt đối không được chủ quan vì đây là mối nguy lớn có thể làm lây lan mầm bệnh cho trại nuôi. Nhờ vậy, đàn lợn nái của anh sinh trưởng, phát triển và sinh sản tốt, mỗi năm trung bình mang về cho anh nguồn thu nhập khoảng 150 triệu đồng.
Không chỉ dừng lại ở đó, nhận thấy nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng ngày càng lớn, tận dụng dòng sông gần nhà, anh Cảnh đã đầu tư mô hình nuôi vịt sạch, với quy mô ban đầu 200 con, về sau lên 500 con và hiện nay số lượng lên đến 1000 con. Ngoài ra, anh còn nuôi đàn gà lấy thịt với số lượng 500 con. Sau hơn 3 năm thực hiện, tuy ít nhiều có bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng nhờ được chăm sóc tốt nên đàn heo, gà, vịt của anh Cảnh vẫn giữ số lượng và đầu ra ổn định, cung cấp sản phẩm sạch cho nhân dân trên địa bàn xã và các xã lân cận.
Ngoài phát triển mô hình chăn nuôi, anh Cảnh còn trồng rừng để khai thác tối đa nguồn lực sẵn có. Với diện tích vườn đồi rộng hơn 2 ha, anh Cảnh tiến hành trồng keo lai. Sau 4 - 5 năm là cho thu hoạch; ước tính anh thu về khoảng 160 triệu đồng. Nhờ đó gia đình anh có nguồn thu nhập hằng năm tương đối ổn định.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, anh Cảnh cũng rất nhiệt tình trong việc chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế, định hướng giúp các thanh niên ở địa phương có đủ điều kiện để cùng phát triển kinh tế với mình, tận dụng nguồn đất đai sẵn có để làm giàu chính đáng trên chính quê hương mình; năng nổ, nhiệt tình trong các phong trào xung kích, tình nguyện, tham gia giữ gìn vệ sinh các tuyến đường, giữ gìn ANTT ở địa phương, tham gia vận động nhân dân nhân dân hiến đất đổ bê tông giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới, tham gia lao động thực hiện các công trình, phần việc thanh niên do Đoàn xã Tiên Châu phát động.
Anh Cảnh tâm sự:
“Đối với anh việc học tập và làm theo Bác chính bằng những việc làm cụ thể đó là phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, vận động thanh niên thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước các nội quy, quy định của địa phương, tích cực học tập, lao động sáng tạo, làm giàu chính đáng trên quê hương”. Với những đóng góp đáng kể đó, năm 2020 anh Đặng Văn Cảnh được Huyện Đoàn Tiên Phước tặng Giấy khen thanh niên tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhân kỷ niệm 130 ngày sinh nhật Bác (19/5/1890 – 19/5/2020).
Qua câu chuyện khởi nghiệp và làm kinh tế của anh Đặng Văn Cảnh có thể thấy khởi nghiệp bằng mô hình nông nghiệp ở vùng nông thôn tuy có những khó khăn nhất định nhưng nếu có quyết tâm và lòng kiên trì để thực hiện ý tưởng thì sẽ mang lại được thành công trên con đường lập nghiệp của mình. Hy vọng rằng, mô hình của anh sẽ tạo được động lực cho nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực này, góp phần cùng với địa phương xây dựng quê hương ngày càng phát triển.