Tuyên ngôn độc lập - Kết tinh và tỏa sáng những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam

Thứ bảy - 02/09/2023 11:19
Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước toàn dân và toàn thế giới về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.Tuyên ngôn độc lập là áng văn lập quốc vĩ đại, là văn kiện có giá trị cao về tư tưởng, lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
3
Tuyên ngôn độc lập mở ra kỷ nguyên độc lập của dân tộc Việt Nam, đồng thời, thể hiện rõ thiện chí hoà bình và quyết tâm sắt đá của nhân dân quyết bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được sau hơn 80 năm dưới ách cai trị của thực dân. Tuyên ngôn độc lập không chỉ là bản tổng kết những giá trị tiến bộ chung của nhân loại trong cuộc đấu tranh vì độc lập và quyền bình đẳng thiêng liêng của các dân tộc, mà còn là nơi kết tinh và toả sáng những nét đẹp văn hoá rất tiêu biểu của dân tộc như: tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết, nhân ái, khoan dung và yêu chuộng hoà bình.

TINH THẦN YÊU NƯỚC NỒNG NÀN

Trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn phải chống chọi với thiên nhiên và giặc ngoại xâm. Cuộc đấu tranh trường kỳ, gian khổ đó đã hình thành nên ý thức cộng đồng, ý thức tập thể và cao hơn là ý thức dân tộc, truyền thống yêu nước. Ý thức đó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thẩm thấu vào máu thịt của mỗi người dân nước Việt. Lịch sử đã minh chứng, trong hơn một ngàn năm Bắc thuộc, dân tộc Việt Nam đã phải liên tục chống lại các thế lực ngoại xâm từ phương Bắc tràn xuống: Hán, Tùy, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh để giành độc lập cho dân tộc với những tên tuổi làm rạng danh đất nước như: Hai Bà Trưng, Mai Hắc Đế, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám,... Sau này, Hồ Chí Minh đã tổng kết truyền thống yêu nước của dân tộc trong một câu nói rất nổi tiếng: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(1).
Sức mạnh của lòng yêu nước đã hun đúc quyết tâm cứu nước, cứu dân và thôi thúc Hồ Chí Minh bôn ba tìm đường cứu nước. Cũng chính chủ nghĩa yêu nước là cơ sở dẫn Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và đến khi đất nước giành được độc lập, chính tinh thần ấy lại được kết tinh và toả sáng trong Tuyên ngôn độc lập - văn kiện đánh dấu sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. 
Trong Tuyên ngôn độc lập, tinh thần yêu nước gắn liền với ý thức sâu sắc về độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia dân tộc. Đó là sự tiếp nối dòng chảy của ý thức mãnh liệt về Tổ quốc, về núi sông bờ cõi, về chủ quyền quốc gia dân tộc được viết lên từ bài thơ thần Nam quốc sơn hà tương truyền của Lý Thường Kiệt đến áng “thiên cổ hùng văn” Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi.
Nội dung chính của Tuyên ngôn độc lập là tuyên bố trước toàn thế giới “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thực sự đã thành một nước tự do và độc lập”(2). Đó là sự tất yếu, là “lẽ phải không ai chối cãi được” bởi “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(3). Thực dân Pháp xâm lược nước Việt Nam là đi ngược lại những giá trị chung, giá trị tốt đẹp của nhân loại đã được thừa nhận trong chính Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ (1776): “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(4) và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1979: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”(5)
Cách mạng Tháng Tám thành công, dẫn tới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của quân và dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo.Lời kết của Tuyên ngôn độc lập nêu rõ ý chí của dân tộc Việt Nam và thể hiện chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” - đó chính là biểu hiện cao nhất của chủ nghĩa yêu nước, nét đẹp văn hoá tiêu biểu nhất của dân tộc Việt Nam được kế thừa và phát triển suốt chiều dài lịch sử.

4

TINH THẦN ĐOÀN KẾT, KHOAN DUNG 

Truyền thống của người dân tộc Việt Nam là “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, rộng hơn, đó là trong cộng đồng dân tộc “người trong một nước phải thương nhau cùng”. Từ nét đẹp văn hóa cao nhất đó là tinh thần yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa trở thành một nét đẹp văn hoá tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, đó cũng là tình cảm tự nhiên, là phép ứng xử và triết lý sống của mỗi người dân đất Việt.
Với nhãn quan chính trị sắc bén, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc, đoàn kết không chỉ tạo nên sức mạnh mà còn là vấn đề có ý nghĩa quyết định tới việc "sống - còn", "thành - bại", "được - mất" trong cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc. Do đó, Người không ngừng xây dựng, hoàn thiện một hệ thống quan điểm về đại đoàn kết dân tộc đồng thời tích cực truyền bá tư tưởng đoàn kết trong toàn Đảng và trong các tầng lớp nhân dân. Tư tưởng và tấm gương đoàn kết Hồ Chí Minh là cơ sở, nền tảng cho sự thống nhất trong khác biệt để Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tập hợp lực lượng, tạo thành sức mạnh tổng hợp cho một dân tộc vốn đất không rộng, người không đông, tiềm lực kinh tế, quân sự không lớn, song đã đồng lòng đứng dậy dưới sự lãnh đạo của Đảng đấu tranh thoát khỏi ách nô lệ thực dân, giành độc lập, tự do. 
Tuyên ngôn độc lập một mặt tố cáo việc thực dân Pháp dùng chính sách chia để trị, phá vỡ khối đoàn kết của dân tộc bằng cách “lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân ta đoàn kết”(6); mặt khác khẳng định kết quả của tinh thần đoàn kết mà nhân dân Việt Nam giành được là “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”(7). Để bảo vệ thành quả của cách mạng, Tuyên ngôn độc lập thể hiện ý chí sắt đá “Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng quyết liệt chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp”(8).
Cùng với đoàn kết, khoan dung cũng là sức mạnh. Ở Tuyên ngôn độc lập, sáng rõ hình ảnh đẹp của một dân tộc đầy lòng nhân ái, thương yêu con người. Đặc biệt hơn nữa, lòng nhân ái, tinh thần khoan dung trong Tuyên ngôn độc lập không phải là cách ứng xử đối với những người lầm đường, lạc lối thông thường mà đó là cách ứng xử đối với kẻ thù vốn “không đội trời chung”; không còn là cách ứng xử của một cá nhân mà là cách ứng xử của cả một dân tộc, hơn nữa là một dân tộc thắng trận. 
Mặc dù, thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Mặc dù, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào, chúng thi hành những luật pháp dã man, chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học, chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta, chúng “tắm” các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu, chúng thi hành chính sách ngu dân, dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều … Và mặc dù mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam và thực dân Pháp đã đẩy lên đỉnh điểm khi “thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật” và từ chối việc Việt Minh kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật…Tuyên ngôn độc lập vẫn nêu cao tinh thần nhân ái, khoan dung của dân tộc Việt Nam, giương cao ngọn cờ chính nghĩa và chính sách đúng đắn của Mặt trận Việt Minh: “Đối với nước Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày mồng 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ”(9).
Theo Hồ Chí Minh, cách ứng xử khoan dung đó “cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh”. Người đã nâng truyền thống nhân nghĩa, khoan dung của dân tộc lên tầm cao mới bằng cách kết hợp với chủ nghĩa nhân văn cộng sản. Cách ứng xử đó thể hiện tầm nhìn chiến lược, tầm cao văn hóa, tinh thần đối thoại, hòa giải … mà nhân loại tiến bộ ngày nay đang phấn đấu vươn tới.

5

YÊU CHUỘNG HÒA BÌNH
Hòa bình là khát vọng mà cả nhân loại tiến bộ phấn đấu và hướng tới. Những dân tộc càng trải qua nhiều chiến tranh, chịu đựng nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra lại càng nhận thức được giá trị của hòa bình.
Tuyên ngôn độc lập đã nêu bật bản chất tàn bạo của chủ nghĩa thực dân với chính sách cai trị tàn độc của Pháp ở Việt Nam cả về kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, nhất là hành động năm 1940, khi phát xít Nhật đến Đông Dương, thực dân Pháp chẳng những không “bảo hộ” được Việt Nam mà còn quỳ gối đầu hàng bán Việt Nam hai lần cho Nhật, khiến cho nhân dân ta càng thêm cực khổ, khiến cho “hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”… Đó là những tội ác vi phạm quyền con người, quyền dân tộc, đi ngược lại khát vọng hoà bình của toàn nhân loại.
Trong điều kiện khắc nghiệt đó, dân tộc Việt Nam buộc phải kiên quyết  đứng lên đấu tranh để tự giải phóng và để giành lại nền độc lập đã mất. Sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết và khát vọng hòa bình của Việt Nam là những nhân tố làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Việc Tuyên ngôn độc lập trịnh trọng tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời; thủ tiêu hoàn toàn chính quyền thực dân, phong kiến, khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam trước toàn thể nhân dân Việt Nam và toàn thế giới không những là tuyên ngôn về độc lập, tự do của dân tộc mà cònlà tuyên ngôn về tinh thần yêu chuộng hoà bình của Việt Nam: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(10).
Hơn thế nữa, trong bối cảnh cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân trên thế giới trở thành vấn đề lớn của thời đại, Việt Nam đã bền bỉ đấu tranh chống sự thống trị và nô dịch của chủ nghĩa thực dân và đã giành được độc lập - đó cũng chính là đóng góp lớn lao của dân tộc và nhân dân Việt Nam đối với nền hoà bình thế giới. Do vậy, Tuyên ngôn độc lập khẳng định: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”(11), thể hiện tinh thần yêu hoà bình tha thiết không chỉ của Hồ Chí Minh mà còn của cả dân tộc Việt Nam.Và thực tế là Tuyên ngôn độc lập đã mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên toàn thế giới.

 

TS. Trần Thị Hợi
ThS. Đinh Hồng Cường

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Tác giả bài viết: Huyện đoàn Tiên Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

6baiihoc 310x165
TUỔI TRẺ TIÊN PHƯỚC
hcm
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay2,119
  • Tháng hiện tại181,738
  • Tổng lượt truy cập7,170,345
131914992234003357 nong thon 01
CÔNG TRÌNH MĂNG NON
VĂN BẢN MỚI
ĐIỀU HÀNH CÔNG VIỆC
vb
logokn
spkn
undefined
bnvieclam
logobantin copy
ytuong
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây