Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển vùng duyên hải Nam Trung bộ

Thứ năm - 20/06/2019 12:23
Chiều ngày 20/6, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển duyên hải Nam Trung bộ.Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, Phó Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn và Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh.

Hội nghị là một trong những hoạt động của ngành KH&CN về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045, với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động KH&CN ngày càng gắn kết hơn hiệu quả hơn trong việc phục vụ chủ trương phát triển bền vững kinh tế biển của cả nước.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhìn nhận, trong những năm qua, đóng góp của các tỉnh, thành duyên hải Nam Trung bộ vào GDP cả nước luôn đạt tỉ lệ cao, trong đó có đóng góp của các khu kinh tế, khu công nghiệp, các cơ sở công nghiệp quan trọng ven biển như trung tâm chế biến dầu, khí, nhiệt điện, sản xuất thép... “Những kết quả trên có sự đóng góp một phần không nhỏ của ngành khoa học công nghệ; đặc biệt, các công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong kinh tế biển khu vực Nam Trung bộ đã đem lại những tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội; nhiều công trình đã tập trung vào nghiên cứu phát triển theo hướng ứng dụng sâu vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - ông Lê Trung Chinh, kinh tế biển Việt Nam nói chung và vùng duyên hải Nam trung bộ (DHNTB) nói riêng có nhiều tiềm năng như: giao thông thuận lợi, ngành thủy hải sản được quan tâm phát triển, du lịch biển đang được đẩy mạnh... Trong những năm qua, Đà Nẵng đã tăng cường các nghiên cứu biển đảo nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về các hệ sinh thái, địa hình, tài nguyên sinh vật và khoáng sản biển, góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Theo đó, Đà Nẵng đã phê duyệt đề án phát triển kinh tế biển thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 với mục tiêu tăng trưởng bền vững đạt từ 12-15%/năm.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu tại Hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày các tham luận về thực trạng và triển vọng phát triển kinh tế biển vùng DHNTB, các vấn đề quy hoạch phát triển kinh tế biển, KH&CN trong phát triển du lịch biển bền vững...

Các đại biểu tham gia thảo luận 

Phát biểu kết luận Hội nghị, PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn nhận định, trong thời gian tới, để khoa học và công nghệ thực sự có vai trò thúc đẩy phát triển nền kinh tế biển vùng duyên hải Nam Trung bộ, giải pháp đầu tiên là cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt nhằm đảm bảo sự thông suốt trong nhận thức về vai trò, vị trí của kinh tế biển, cũng như vai trò của khoa học công nghệ đối với sự phát triển kinh tế biển của vùng duyên hải Nam Trung bộ từ trung ương đến địa phương, từ cán bộ cho đến người dân và doanh nghiệp. Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn, phát triển kinh tế biển ở Việt Nam nói chung và kinh tế biển ở vùng duyên hải Nam Trung bộ nói riêng, không thể bền vững nếu không có vai trò của khoa học công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi căn bản sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hội nhập quốc tế sâu, rộng; biến đổi khí hậu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ với những tác động nhanh, nhiều chiều và khó lường đối với nền kinh tế nước ta.

Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 thông qua việc tiếp tục hoàn thiện các khung khổ pháp luật và điều tiết; xây dựng những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể; lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế biển vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương. Đồng thời, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể để khoa học công nghệ cùng với phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao thực sự là một trong 3 khâu đột phá để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam nói chung và kinh tế biển vùng duyên hải Nam Trung bộ nói riêng; tiếp tục tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính; khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thu hút đa dạng các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ cho phát triển bền vững kinh tế biển của vùng.

Toàn cảnh Hội nghị khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên

Cùng với đó, cần tăng cường sự phối hợp và liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và với các tỉnh, thành phố của cả nước trong các hoạt động phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ cho phát triển bền vững kinh tế biển của vùng, cũng như sự phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong hỗ trợ phát triển vùng thông qua những chương trình, dự án cụ thể.

Phương Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

VĂN BẢN MỚI
ĐIỀU HÀNH CÔNG VIỆC
vb
logokn
spkn
undefined
bnvieclam
logobantin copy
ytuong
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây