Để góp ý chuẩn bị tài liệu Đại hội lần thứ XIII của Đảng về mục tiêu phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2021-2030, ngày 13.9, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức Hội thảo khoa học “Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch 5 năm 2021 - 2025."
Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các viện nghiên cứu và trường đại học... Ý kiến đại diện của các bộ, ngành đều tập trung nêu thực trạng phát triển của từng lĩnh vực trong thời gian qua. Nhiều giải pháp được đề xuất, trong đó có tăng đầu tư nguồn lực cho giai đoạn tới.
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ, Đảng và Nhà nước đã nhận thức rất rõ, khoa học và công nghệ (KHCN) là đòn bẩy trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp. Hơn nữa, trong xu thế hội nhập hiện nay, KHCN là một yếu tố có tác động to lớn đến việc tăng trưởng và phát triển kinh tế của nước ta, giống như chìa khóa cho việc hội nhập thành công, cũng như rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bắt kịp với các quốc gia khác trên thế giới. KHCN cũng là yếu tố quyết định đến việc thực hiện mục tiêu chuyển nền kinh tế của nước ta sang nền kinh tế tri thức, cho tiến trình toàn cầu hóa.
|
Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cũng nhận thấy, doanh nghiệp ngày càng nhận thức vai trò của KHCN trong phát triển bền vững, do đó tăng cường đầu tư cho phát triển KHCN, đặc biệt là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Viettel, TH, Vingroup, Thaco Trường Hải... Thực tế, các kết quả và thành tựu đáng khích lệ đạt được của lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, y tế, thủy sản… trong những năm gần đây cũng nhờ những đóng góp quan trọng của KHCN. Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cũng cho biết, các ý kiến thảo luận tại hội thảo sẽ là nguồn thông tin quý báu để Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tham mưu, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật KHCN và đổi mới sáng tạo; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KHCN giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 với Trung ương Đảng trong báo cáo kinh tế - xã hội phục vụ Đại hội Đảng khóa XIII.
Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất với nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về sự quan tâm phát triển KHCN của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là cơ sở pháp lý đã tương đối đầy đủ, tạo điều kiện cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cũng như tiến hành đổi mới, sáng tạo. Các ý kiến cũng thống nhất cho rằng, Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành đã có những chính sách mới, giúp cởi trói, tạo điều kiện cho thực hiện nghiên cứu KHCN, tăng cường ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế.
Tuy nhiên, theo một số đại biểu, nhiều quy định của Luật rất tiến bộ nhưng chưa phát huy hết được giá trị, khi chưa có sự sửa đổi đồng bộ tại các văn bản pháp luật liên quan như Luật Cán bộ, công chức, Luật Giáo dục đại học... cũng như cơ chế tài chính cho hoạt động này. Giữa các văn bản pháp luật quy định chưa thống nhất, một số nội dung mâu thuẫn, nên nghiên cứu khoa học tại các trường đại học chưa phát triển, cũng như đóng vai trò then chốt cho phát triển KHCN quốc gia. Bên cạnh đó, cơ chế đầu tư cho KHCN hiện đang có lỗ hổng, khi Nhà nước chủ yếu đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu ứng dụng, song khâu nghiên cứu thử nghiệm mô hình chưa được quan tâm. Do vậy, cần tiến hành rà soát hệ thống pháp luật liên quan để sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành, tháo gỡ tất cả các vướng mắc cho hoạt động nghiên cứu, khoa học, nhất là khu vực trường đại học…
Quochoi.vn